Bài: KTS Trần Bình; Ảnh: Phan Quang
Công trình được đăng trên tạp chí Kiến Trúc Đời Sống số - 15/04/2009
Thời buổi đắt đỏ, đất trong các khu quy hoạch được xem là “ứng viên số một” cho sự lựa chọn của các chủ đầu tư. Thế nhưng chị - chủ nhân ngôi nhà - đã linh hoạt chọn cho mình một giải pháp khác: vị trí vừa rẻ, không cần hiện đại mà vẫn đảm bảo hạ tầng cơ sở… không ngập nước. Nếu có ai hỏi đang ở đâu, chủ nhân cũng không quá “mắc cỡ” khi trả lời rằng mình không ở trong các khu đô thị mới, nhưng vẫn đảm bảo “đẳng cấp”, sang trọng bởi sự sành điệu và gu riêng mình…
Khách hàng của tôi là một trường hợp khá dị biệt: chị đầy cá tính, và sở thích được xem là hơi… dị so với người bình thường. Chính vì thế, chị quyết định chọn cho mình một miếng đất không thuộc những nơi danh giá, một vị trí khá khiêm tốn, nằm trong một con hẻm cụt ở quận 7, vừa đủ lọt chiếc xe hơi, một khu phố đạt chuẩn văn hóa hẳn hoi bởi sự biệt lập, yên ắng và dĩ nhiên là đảm bảo an ninh. Lối xóm vài ba quán cà phê cóc, lỡ có đi sớm về tối cũng còn có người thức ngó nghiêng nhà cửa giúp và chào hỏi dăm câu cũng đủ thấy ấm lòng. Một lựa chọn khôn ngoan cho việc xây cất và trang trí hoàn toàn độc lập về ý tưởng, kiểu dáng, thỏa mãn ý thích, lại vừa rất hiệu quả về mặt kinh tế. Chính vì vậy, có thể nói, chị tự chọn và tự “làm thương hiệu” cho chính mình.
Nhà phố có một nhược điểm chung rất phổ biến là quá thiếu cây xanh, so với các nhà trong khu quy hoạch luôn luôn và bắt buộc phải có những mảng xanh chung. Diện tích mảnh đất 8x16m, nên khi đưa ra giải pháp kiến trúc, nhà thiết kế đã ưu tiên chọn ngay phương án “phủ xanh” bằng cách trồng cây to ngay trước cửa chính, giúp ngôi nhà vừa râm mát buổi trưa, vừa che cả hướng nắng chiều, giải nhiệt bằng một hồ nước to sau khi qua 9 bậc thang trước khi vào nhà. Thích mắt, có người nói đùa một câu: Chỉ cần ký hợp đồng với một công ty bảo vệ chuyên nghiệp, trông nhà 24/24 thì hoàn toàn có thể yên tâm, kém gì khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Và, nếu có một giải thưởng dành cho diện nhà… quy hoạch đơn lẻ, thì ngôi nhà đảm bảo sẽ được phong!
Điều đặc biệt của ngôi nhà còn ở việc dành không gian lớn, gần như chủ yếu cho việc thiết kế một thư viện dự kiến dành cho sinh viên có nhu cầu đọc và nghiên cứu, nên việc “phân luồng giao thông” phải tách biệt với khu vực ở. Bếp được trang trí và cả trang bị công phu, đầy đủ chức năng nhằm phục vụ cho năng khiếu làm bánh của chủ nhân. Còn lại, các phòng được thiết kế theo đúng công năng của từng thành viên trong gia đình, mỗi người một vẻ, sao cho phù hợp với việc ở và sinh hoạt vừa thoải mái, vừa phát huy được hết cá tính của từng người. Từ đứa bé chập chững chơi rong, cho đến bố mẹ tất bật cả ngày. Thế nhưng tất cả đều phải quy tụ về chất thô mộc, loại bỏ sự cầu kỳ bằng hầu hết các chất liệu càng rẻ càng tốt, bên cạnh sự tiện ích bắt buộc đáp ứng, vừa đảm bảo tính mỹ thuật, mỹ cảm.
Còn nhớ lúc thi công nhà, bề mặt sàn nhà “ốp” bằng bê-tông, cốt giữ nguyên màu xi măng trộn tự nhiên với đá xanh, điểm thêm mấy miếng đồng vụn, tạo ra một loại chất liệu thủ công không mới nhưng lạ. Sau khi được mài nhẵn bóng bề mặt, mát lạnh, đá granite cũng phải chào thua! “Tác phẩm” như một kỳ công.
Phòng các bé gái không xử lý bằng cách ngăn tường, mà ngăn bằng vách gỗ gọn, nhẹ, cũ. Bên trong kê 2 chiếc giường có sắn, 2 tủ áo sánh đôi, mấy cây đèn tự chế, không gian như cổ tích, với khoảng vách dành cho các bé tha hồ vẽ vời thoải mái. Những mảng tường dễ bị dơ do nhiều người qua lại, lại là nơi để các bé tha hồ thả trí tưởng tượng bay bổng. Một không gian tinh khôi, hồn nhiên, trẻ thơ. Đặc biệt, phòng bé trai được thiết kế phù hợp với tính… khỉ khọt, tinh nghịch, khi có thêm một gác gỗ mi ni, khoét một lỗ cho bé chui ra chui vào, thỏa mãn trí tò mò và óc đam mê khám phá. Tất cả phòng của các bé không màu sắc lòe loẹt - như cách mọi người vẫn thường nghĩ và thiết kế phòng cho trẻ. Gỗ mộc ấm áp, giữ nguyên màu, nguyên chất, thậm chí đôi chỗ còn đệm thêm mấy tấm ván cũ kỹ, già nua. Quan trọng hơn cả là ý hướng tạo cho các bé gu thẩm mỹ và cách thưởng thức vẻ đẹp nguyên sơ của chất liệu thô mộc, không lòe loẹt, hào nhoáng mà thâm trầm, sâu lắng… Có người sợ cho trẻ sống trong những không gian như thế, trẻ sẽ chóng… già, mất đi nét vô tư, hồn nhiên. Điều ngược lại đã diễn ra, thiết nghĩ cũng cần chia sẻ cùng độc giả: một buổi sáng nọ, người mẹ rất ngạc nhiên, khi 3 đứa trẻ cùng níu áo mẹ, bảo hôm nay sinh nhật mẹ, chúng con sẽ chỉ cho mẹ một món quà rất đặc biệt! Khi mẹ theo chúng vào phòng, chúng chỉ vào chân giường nói: Quà của mẹ do các bà tiên “thiết kế” mang đến và giấu dưới kia!
Chị chủ nhà vừa xúc động vừa rất đỗi tự hào, thấy không gian sống mình dành cho chúng đã thực sự có hiệu quả.
Ngôi nhà vẫn chưa thể gọi là hoàn hảo do vẫn còn khá nhiều chi tiết rườm rà, tạo cảm giác thừa thải, chất thô mộc chưa phát huy hết tác dụng và… chưa sang. Giá như chủ nhân say mê cóp nhặt nhưng biết tiết chế và có “chuyên môn” hơn. Cô đọng để tinh gọn.
Dẫu sao vẫn rất cần những cá nhân mạnh mẽ, biết tạo ra không gian sống riêng tư, thú vị, đồng thời nuôi dưỡng và chăm chút cho ngôi nhà đúng là của mình. Điều này không nhà thiết kế nào có thể làm thay được.
Hy vọng các thành viên sống trong “ngôi nhà cá tính” này đều sẽ trở thành những nhà thiết kế “nghiệp dư” trong tương lai!