Văn Phòng Kiến Trúc Sư Trần Bình

Quanh bếp lừa hồng

Bài: Đoàn Khoa

chonguoi2

Quay xong cảnh cuối một clip ca nhạc lúc hai giờ trưa, tôi hối đoàn phim thu dọn đồ đạc lẹ về kẻo rơi đúng giờ cao điểm thì khổ, vậy mà cũng không tránh khỏi cảnh kẹt xe dài dằng dặc khi bắt đầu vào lại thành phố!

Ưu tiên cho đạo diễn được nguyên một băng ghế có thể nằm thoải mái... tôi vẫn cứ ngán ngẩm khi nhìn những tấm bảng hiệu san sát với nhau từ từ tịnh tiến.

Thôi thì nhắm mắt lại vậy !

Bác tài mê nhạc “quê hương”, bật nguyên một dĩa gồm những bài mà trước đây người ta hay gọi là “sến”!

Tưởng yên khi đôi mắt được “nghỉ ngơi”  trước dãy bảng hiệu loạn sắc, nhưng bây giờ lỗ tai không thể thoát khỏi những âm thanh nỉ non từ chiếc máy phát nhạc.
“...Người ơi mau về đây
 Về quanh bếp hồng tay cầm tay
 Cười lên chan chứa tươi làn môi
 Nhớ phút vui đêm nay...”(*)

Ngày xưa, tôi không tài nào chịu nổi dòng nhạc “quê hương” cùng giọng ca của Thanh Tuyền, vậy mà trong lúc bực mình cáu bẳn này, từng lời hát lại rót vào tai  nghe sao đằm thắm và đê mê đến vậy ?
“...Nhà ai trong chiều nay
 Lửa đêm đốt hồng vai kề vai
 Và nghe câu hát yêu đời ai
 Hát mãi sao không nguôi...”(*)

Như một cuốn phim, trong đầu tôi bỗng chiếu lại rõ mồn một hình ảnh má tôi ngồi gói bánh chưng trong mấy ngày cận Tết...
...Mấy chục năm qua, đến tận bây giờ, năm nào nhà tôi không thể thoái khỏi cái “lệ” hãi hùng này !

Nhớ hồi còn nhỏ, cứ mỗi lần nấu bánh là anh em tụi tôi khiếp đảm vì phải chịu đựng mùi khói nặc nồng suốt cả mấy chục tiếng đồng hồ.
Thời đó chụm củi, má tôi cẩn thận mua trước mấy tuần, nhưng nhà ọp ẹp và chật chội, không thể trữ nhiều, vả lại phải tận dụng những củi tạp, ván cũ, củi chưa khô... nên khi nấu khói bốc lên thật là khó chịu !

Sau khi ổn định “củi lửa”, ba sẽ thay “ca” ở nhà trông chừng nồi bánh (má đã ngồi gói gần suốt nguyên ngày).

Tội nghiệp mấy đứa tụi tôi, mắt thì đỏ ké cay sè, miệng ho khù khụ, má lấy chiếc xe Honda dame duy nhất màu xanh lá cây lợt, chất đứa nhỏ nhất phía trước, ba đứa còn lại phía sau. Tôi lớn nhất nên “được” ngồi ở porte-bagage, có nhiệm vụ ôm và giữ hai đứa em nhỏ kẻo chúng lọt xuống đường.

Má cho mấy nhỏ đi “Chợ Đêm”, nhưng thực ra để tránh khói !

(Thời đó chỉ vào dịp sắp Tết, người ta mới bày ra “Chợ Đêm” ở xung quanh khu chợ Sài Gòn và dọc đường Lê Lợi)

Gần tới “Chợ Đêm”, đám nhỏ chúng tôi rạo rực, sướng điên dù chỉ vừa thấy thấp thoáng ánh đèn đủ màu từ xa chớp tắt.

Tất nhiên thời đó trung tâm thành phố không rực rỡ bằng bây giờ, nhưng từ khu xóm tối thui nhà tôi, mỗi lần được bước ra “Sài Thành Hoa Lệ” là một cuộc du ngoạn thú vị, chỉ cần thấy bảng đèn chữ chạy của Sở Hỏa Xa thôi, cũng đủ làm cho bốn anh em tôi mê tơi, niềm vui ấy lớn lao hơn con nít bây giờ đi chơi Đầm Sen, Suối Tiên hay Công Viên Nước...

Năm nào cũng vậy, mọi thứ cứ lặp đi lặp lại như một điệp khúc quen thuộc: “gói bánh”, “tránh khói”, “chợ đêm”, và bộ đồ chơi nồi niêu xoong chảo bằng nhôm nhỏ xíu (không hiểu sao năm nào cũng mua đúng bộ đồ chơi này ?)... Tất cả những thứ ấy gộp lại thành một con dấu triện đóng sâu vào ký ức tuổi thơ từng đứa chúng tôi.
...Về sau, đời sống khá hơn, má tôi chuyển qua xài than, nhà đỡ chịu đựng.

Mấy năm gần đây, nhờ dùng bếp gaz, vấn đề khói cay mù trời hay chuyện cọ rửa thau nồi không còn là “ác mộng”, nhưng tôi vẫn khó chịu khi má “dàn trận”. Tôi lầm bầm:
- Dẹp chuyện gói bánh cho rồi, ăn nhiêu đâu mà cực quá !
- Tụi bay có cực đâu mà tụi bay than ? - Má gắt gỏng giống như ai làm điều gì khiến bà phật ý lắm !

Kiểu nói chuyện của gia đình tôi thật lạ, dù có thương nhau cách mấy cũng không biểu hiện, cứ trổng không, cộc lốc. Mọi người không có thói quen bày tỏ cảm xúc của mình !

Tôi ngán ngược mỗi khi thấy nào là xô, thau, chậu, rổ... tất cả được trưng dụng và bày khắp nhà.

Mấy thau to đùng ngâm nếp, cái thì đãi đậu, nồi thì ướp thịt, chậu dùng ép vắt lấy nước lá dứa để xóc thêm vào nếp cho bánh xanh và thơm hơn..., đó là chưa kể mớ lá dong sau khi cẩn thận lặt cuống, được rửa và lau sạch, trải khắp nền nhà sao cho vừa độ khô rám..., nói chung nhà tôi được bày kín, không còn chỗ đi qua đi lại !

(Phiền nhất là xe gắn máy, không còn chổ để, phải gởi bãi xe đằng chợ rồi đi bộ về nhà cho nên muốn đi đâu đó thì thật là bất tiện !)

Thấy mấy đứa con nhăn như bị, má tôi giải thích một cách nhát gừng:
- Mình gói, ăn mới vừa miệng...  với lại có cái đi biếu bà con !

Thật ra, đây là niềm vui suốt mấy chục năm trời của bà vì bà có mớ “khách ruột ái mộ”, họ “ghiền” và không muốn bỏ bà qua mua chỗ khác.
- Chứ tụi bay thấy đó, người ta năn nỉ quá... làm sao bây giờ ? – ...vẫn giọng khô khan.

Nhờ mớ bánh nhà gói, sau khi biếu bà con hàng xóm một cách thoải mái, má bán đi một phần, chừa lại vài cái chưng bàn thờ lấy hương vị Tết, bà tổng kết và hân hoan khi còn dư ra một ít “tiền lời”, giống như lộc hên năm mới...

Mỗi năm, phải mất mất ba bốn ngày ròng cho chuyện gói và nấu bánh. Đó là những ngày mà đời sống thường nhật của chúng tôi bị xáo trộn. Mới ba bốn giờ sáng là có người đập cửa rầm rầm giao thịt, giao nếp... nếu không thì má cũng thức sớm lục đục, rầm rầm trong bếp nhằm chuẩn bị mọi thứ hoặc đãi đậu, lau lá... , tụi tôi muốn ngủ thêm chút xíu cũng khó lòng. (Ấy là chưa kể đến bữa cơm bình thường cũng không thể có trong những ngày này, mạnh đứa này, đứa đó tự lo !)
...Năm nọ, chị H. từ Pháp ghé thăm nhà tôi đúng dịp gói bánh.

Cả nhà cuống lên không biết mời chị ngồi đâu vì bộ xa-lông duy nhất đã bị xếp chồng và đẩy vào xó bếp cho gọn... Thế là chị “xà” xuống gần chỗ má ngồi, quan sát và phụ bà gói bánh.

Quá buổi cơm trưa, chị than đói bụng, nhưng vẫn muốn ở lại “học nghề”, chị tự xuống bếp, tự tay lục lọi,... xui sao, chỉ còn cơm nguội và lon muối mè... thôi thì dùng “tạm” !

Xấu hổ và bối rối trước tình huống trên, tôi cứ “đực ra” nhìn chị H. thoải mái, muốn làm gì thì làm.

Vậy mà cho tới bây giờ, thỉnh thoảng chị H. vẫn nhắc tới kỷ niệm “ấn tượng” ấy mỗi khi gửi thiệp hoặc gọi về chúc Tết:
- Chị luôn nhớ không khí hết sức đầm ấm trong gia đình em, nhớ lúc mẹ em gói bánh, nhớ tô cơm muối mè, nhớ đủ thứ...! Năm nay em nhớ nhắc bác gói bánh nhe, chỉ có như vậy mới  thực sự là Tết !

Chị H. đã vô tình nhắc tôi một điều mà trước đây vì quá ơ hờ nên tôi không để ý rằng má còn khỏe, rằng bà vui sống và bà đã làm một chuyện hết sức quan trọng là gìn giữ hơi ấm cho gia đình đồng thời bảo lưu một phong tục.
...

Tôi bỗng nhớ tới anh chàng ca sĩ người Thượng tên là K’Long Hagim trong “Ngày Hội Âm Nhạc / Fête de la Musique” mà tôi đã dựng ở Viện Trao Đổi Văn Hoá Với Pháp cách đây nhiều năm.

Trong chương trình này, anh hát một bài hay không chịu được, bài hát mang tên “Quanh bếp lửa hồng”.

Tôi không hiểu lời ca vì anh hát bằng tiếng dân tộc, thế nhưng tôi tin mình “hiểu” một cách chính xác rằng bài hát không nói về tình yêu nam nữ, cũng chẳng khát vọng xa vời hay vươn tới tương lai..., đó chỉ là niềm hạnh phúc hết sức bình thường nhưng rất mênh mông khi gia đình đoàn tụ, khi được sống trên chính quê hương của mình bên cạnh những người thương yêu.
...

Tôi mở mắt ra.
Những tấm bảng hiệu màu mè tiếp tục tịnh tiến.
Con đường xe vẫn kẹt cứng !
“...Chiều nay mưa còn rơi
 Chiều nay bếp hồng đang còn say
 Chiều nay vui sống trong tình yêu.
 Nhớ phút vui không nguôi.
 Nào ai xa ngàn nơi.
 Kìa bao mái nhà đang chờ ai
 Kìa bao bếp hồng đang còn tươi
 Thương nhớ lên đầy vơi...”(*)
Tiếng hát của Thanh Tuyền tiếp tục vang – tiếng hát không giống bất kì ai, không lẫn vào đâu được - vẫn réo rắt và xúc động vô tả...
...

Tôi nôn  mau về nhà...
Mặc dù còn gần hai tháng nữa mới Tết, nhưng tôi muốn nói ngay:

“Má á á a a a a ...  Tết nhớ gói bánh nha !” - ...bằng một câu cụt ngủn !

(*)Trích  từ bài hát “Về dưới mái nhà” của nhạc sĩ Y Vân và Xuân Tiên