Một cộng đồng gần một tỉ người mới được chú ý khoảng bốn mươi năm trở lại đây và có nhiều phát hiện thú vị: những người thuận tay trái.
"Tay phải một hôm mắng tay trái/ Tao mang/ Tao xách/ Tao nắm/ Tao cầm/ Mày chỉ ăn hại/ Giờ tao chả dại/ Tao cũng nghỉ ngơi/ Liệu mày sống mãi/ Hay mày hết đời…/ Miệng chẳng xơi gì/ Hai tay rã rời/ Tay trái mỉm cười/ Ghen tị nữa thôi." Bài ngụ ngôn ta đọc hồi xửa hồi xưa chỉ khuyên răn chớ nên ganh tị. Thế nhưng mặt khác nó cũng cho biết: tay phải làm đủ điều. Tay trái kém cỏi, vụng về, chỉ bưng nổi bát cơm. Chẳng thế, chê một người bất tài, các cụ bóng bẩy: "Ôi dào, cái ngữ ấy chỉ là ‘tay chiêu đập niêu không vỡ’ mà thôi!" Tay chiêu là tay trái - tiếng cổ. Nói một người trợ thủ giỏi giang, người ta bảo, anh ta là "cánh tay phải" của sếp, chứ nếu nói "cánh tay trái" thì hẳn là mỉa mai nhau rồi.
Vậy mà ai cũng biết, có những người "ngược đời", lại chỉ thuận tay trái, nghĩa là ở họ có sự đổi vai trò giữa hai tay. Từ hàng thế kỷ, họ là nạn nhân của thói mê tín và sự kỳ thị. Kinh thánh xếp cái ác sang phía bên trái, cái thiện sang bên phải. Những con cừu ở phía bên phải được lên Thiên đàng, còn những con dê bên trái bị đày xuống Địa ngục. Người ta dùng tay phải để tuyên thệ, làm dấu thánh hay chào kiểu… nhà binh. Khi gặp phải một ngày xui xẻo, người ta đổ thừa tại lúc thức giấc, từ trên giường đã đặt chân trái xuống đất trước.
Thêm nữa, ngôn ngữ cũng tiếp tay cho những kẻ phân biệt đối xử. Trong tiếng La-tinh, từ sinister là bên trái, đồng nghĩa với điềm xấu, tai họa; từ dexterous là bên phải, đồng nghĩa với khéo léo, tài hoa. Tiếng Tây Ban Nha, từ zurdo chỉ người thuận tay trái cũng có nghĩa là thâm độc. Trung cổ là thời "đen tối" nhất đối với những người thuận tay trái. Họ bị xem là quỷ dữ, phù thủy, có thể bị thiêu sống hoặc chịu sự ghẻ lạnh của cộng đồng. Nhiều "lý thuyết khoa học" (!) xưa còn chụp mũ cho người thuận tay trái hàng loạt khuyết tật: hệ thần kinh bị hỏng, thiếu trí thông minh, có khuynh hướng hướng nghiện rượu và đồng tính ái… Bàn tay thuận của họ được gọi là "bàn tay ma". Bởi vậy, trước áp lực của xã hội, chẳng may ra đời "bị" thuận tay trái, người ta đành phải chọn một trong hai con đường: hoặc che giấu kỹ cái người đời cho là xấu xa, hoặc "luyện" tay phải cho giống với mọi người từ lúc còn bé.
Những thống kê hồi đầu thế kỷ hai mươi đưa ra một con số không đáng tin cậy: số người thuận tay trái trong xã hội chỉ là 3%. Vậy con số thực là bao nhiêu? Cho đến nay, khi xã hội cởi mở, thuận tay trái chẳng còn phải giấu diếm thì những điều tra cho kết quả khách quan hơn: số người thuận tay trái nằm trong khoảng 10% đến 15% dân số (dao động từ 5% đến 30% trong những cộng đồng khác nhau), nghĩa là trên hành tinh, số lượng của họ là từ 600 đến 900 triệu người. Phải quan tâm đến họ! Thế là từ những năm 1960, các nhà khoa học mang bàn tay ra "soi mói". Một số nước thành lập Viện nghiên cứu tính thuận tay (handedness) để tìm hiểu nguyên do, tính cách, tài năng của họ và cuối cùng để làm sao sản xuất riêng cho họ những đồ dùng thích hợp. Bởi do sự "vô tâm" của nhà sản xuất các thiết bị, máy móc chỉ dành riêng cho số đông, khiến người thuận tay trái thường bị tai nạn với tỉ lệ cao hơn hẳn so với người thường (7,9% so với 1,5%). Đồ dung nhỏ nhặt như cái mở nút chai, mở đồ hộp, con chuột máy tính cũng là sự thách đố đối với họ.
Thuận tay phải hay tay trái là kết quả của sự ngẫu nhiên chứ không phải là do văn hóa, giáo dục. Trong thế giới động vật, 50% mèo, chuột hay khỉ dùng chân trái nhiều hơn chân phải đấy thôi.
Thuận tay trái có phải do di truyền hay không? Có một chút! Nếu cha mẹ thuận tay trái thì tỉ lệ di truyền cao 2,5 lần so với các bậc cha mẹ bình thường. Đã xác định được bản đồ gen người, song vẫn chưa ai tìm ra gen nào quy định việc thuận tay trái và khó hiểu nữa là, hai anh em sinh đôi - cùng chung một yếu tố di truyền - chỉ 20% trong số họ là giống nhau về tính thuận tay. Khuynh hướng thuận tay nào lúc đứa trẻ mới ra đời không hẳn cứ vĩnh viễn như thế. Nhiều trường hợp, đến 3-6 tuổi đứa trẻ thuận tay trái tự chuyển sang thuận tay phải, tức là môi trường cũng phần nào ảnh hưởng.
Từ lâu người ta biết được khá nhiều về bộ não, gồm hai bán cầu liên quan mật thiết và hoạt động đồng bộ. Bán cầu não trái đóng vai trò chỉ huy, điều khiển ngôn ngữ, khả năng đọc và viết, khống chế các phép tính, giải quyết hợp lý các vấn đề. Nó phụ trách phần bên phải của cơ thể. Bán cầu não phải phân tích các hình thể trong không gian, nhớ lại âm thanh, hiểu được âm nhạc và phụ trách phần bên trái. Bán cầu não trái phát triển sớm và nhanh, từ khi con người mới là bào thai. Kỹ thuật siêu âm hiện đại cho biết, thai nhi đã biết mút ngón tay trong bụng mẹ và 92% trong số này mút ngón tay cái ở bàn tay phải. 8% làm ngược lại và thực tế cho thấy tất cả các bé này đều thuận tay trái khi sinh ra. Phải chăng vì sự phát triển vượt trội của bán cầu não trái là nguyên nhân khiến cho đa số người thuận tay phải. Có thể cũng vì lý do đó, những trẻ em thuận tay trái thường chậm biết nói và hay nói lắp hơn (khi chưa đến tuổi trưởng thành).
Song lý thuyết nào cũng không giải quyết triệt để. Với người thuận cả hai tay thì sao? Vì sao người thuận tay trái "luyện" tay phải dễ hơn rất nhiều so với người thuận tay phải luyện tay trái?
Điều khó lý giải thứ hai là vì sao trong giới "ngược đời" này, 2/3 lại thuộc đấng mày râu? Vì sao hầu như họ đã sinh ra khi các bà mẹ trên 30 tuổi và thường sinh non?
Thứ ba, ai trong chúng ta cũng có một phần chân thuận, một con mắt thuận và 20% nhân loại, khi thuận chân trái lại kéo theo việc thuận tay phải, 30% người khác thì thuận chân trái lại thuận mắt phải?
Thứ tư, liệu có sự liên quan nào giữa thuận tay trái với đồng tính ái vì theo số liệu điều tra, tỷ lệ đồng tính ái nam ở người thuận tay trái cao hơn ở người thường 31% và đồng tính ái nữ tới 91% (gần gấp đôi)?
Những câu hỏi tương tự còn nhiều nhiều nữa mà chưa được giải đáp, chứng tỏ các Viện nghiên cứu tính thuận tay ở các nước có đầy đủ lý do tồn tại.
Giữa những người thuận tay trái và thuận tay phải chưa phát hiện ra sự khác biệt nào về trí thông minh (tuy theo thống kê, họ thường có chỉ số IQ cao hơn), nhưng nói chung những người thuận tay trái có khả năng trực giác cao hơn, linh cảm chính xác hơn, thiên hướng nghệ thuật mạnh hơn.
Không hề ít những người thuận tay trái tài năng. Bảng danh sách ấy thậm chí có thể làm người ta choáng ngợp. Bất cứ ngành nào cũng đều có những danh nhân đại diện cho 10-15% dân số này. Về hội họa có Leonardo de Vinci, Michaelangelo, Raphael, Pablo Picasso; điện ảnh có Charlie Chaplin, Marylin Monroe, Tom Cruise, Nichole Kidman; âm nhạc có S. Bach, L. Beethoven, Bob Dylan, Paul McCartney; văn học có Mark Twain, Lev Tolstoy; quận sự có Alexander đại đế, Julius Ceasar, Napoleon; khoa học có Isaac Newton, Albert Einstein; về thể thao, đặc biệt là quần vợt có Martina Navratilova, Mc Enroe… Theo thống kê, Mỹ có 20% các tài năng Toán học thuận tay trái. Tỉ lệ này cũng tương trong số kiến trúc sư, nhạc sĩ, họa sĩ… Bill Clinton là tổng thống Mỹ thuận tay trái thứ tám trong lịch sử Hoa Kỳ và điều trùng hợp thú vị là năm 1992, ba ứng cử viên tổng thống là Bill Clinton, George Bush và Ross Perot đều là người thuận tay trái, ba tổng thống liên tiếp thứ 40, 41 và 42 của Hoa Kỳ là R. Reagan, G. Bush và B. Clinton đều giống nhau ở tính chất này.
Thế nhưng, dù đã bao lần dẫn chứng thuyết phục, thành kiến với những người thuận tay trái ở Châu Âu vẫn còn chỗ đứng. Các công ty vẫn dị ứng với họ, cho rằng họ đem lại rủi ro trong kinh doanh. Một số trường tiểu học phạt các học sinh viết tay trái. Và… ngớ ngẩn hơn, theo luật pháp Nhật, một ông chồng có quyền li dị vợ nếu khám phá ra bà xã là người thuận tay trái.
Như đã nói, người thuận tay trái dễ gặp rủi ro vì bị các nhà sản xuất "quên" khi thiết kế các máy móc, thiết bị kể cả dụng cụ gia đình, vô tình biến họ thành những người lóng ngóng, hậu đậu. Số người thuận tay trái bị tai nạn lao động cao gấp năm lần người bình thường tại các xưởng máy và cao hơn 49% trong các việc gia đình. Ngày nay, tình trạng đã được phần nào khắc phục, vì đối với các nhà kinh doanh, 900 triệu khách hàng đâu có ít. Đã có những chiếc máy ảnh, máy quay phim, nhạc cụ, các đồ dùng gia đình, máy tính cá nhân dành riêng cho họ.
Người thuận tay trái cũng có những nơi lui tới của riêng mình. Hội những người thuận tay trái, các câu lạc bộ của họ có mặt khắp nơi. Ngày 13/8 hàng năm là ngày kỷ niệm chung của những người thuận tay trái. Lễ hội Left-hander International tổ chức luân phiên tại các nước hàng năm thu hút người thuận tay trái toàn thế giới cùng chia sẽ niềm vui.